Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

“Người Việt trẻ không biết chừng mực khi uống bia rượu“

Rượu từ xa xưa đã trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trong đời sống của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống, rượu trước hết được dùng trong lễ nghi. Trong đời thường, mọi người cũng uống rượu, đó là khi gặp bạn chuyện trò, mừng gặp mặt hay chúc nhau khi chia tay đi xa hoặc trong những ngày hiếu hỷ.

Nói tới ý nghĩa của rượu trong đời sống của người Việt từ xưa tới nay, nhà báo - nhà văn Huy Thịnh, người đang chịu trách nhiệm một số chương trình với nội dung văn hóa gia đình, nếp sống và nghệ thuật cho rằng: "Trong quan niệm xưa, rượu là thứ không thể thiếu trong các dịp quan trọng. Bởi vậy, các cụ có câu "Phi tửu bất thành lễ". Những dịp vui vẻ, tụ họp hay lễ lạt, rượu trên mâm cỗ của người Việt là thứ bắt buộc phải có. Từ đó, phong cách ẩm thực của người Việt xưa cũng dần được hình thành, mọi người sẽ uống hay nhấm vài ly rượu nhỏ rồi mới bắt đầu dùng cơm".

Tuy nhiên, ngày nay, việc uống rượu, bia đã trở thành thói quen của nhiều người. Rượu bia được uống mọi lúc, mọi nơi, từ nhà hàng sang trọng cho tới quán xá vỉa hè. Nhiều người uống không chỉ để cho vui mà uống cho tới khi say xỉn, để thể hiện bản lĩnh nên văn hóa uống rượu ngày càng biến tướng.

Những số liệu được công bố ngày 26/9 vừa qua cho thấy người Việt đang "nhậu" quá nhiều. Thực tế cũng chỉ rõ người Việt uống rượu ở khắp nơi, từ đám cưới xin, ma chay tới lễ lạt, tết nhất. Độ tuổi uống rượu đang bị trẻ hóa dần. Nếu như trước kia, chỉ có người lớn tuổi, trung niên mới uống rượu thì ngày nay, nhiều người trẻ cũng đua nhau uống nhiều, uống no để chứng tỏ khả năng.

Nhà báo Huy Thịnh nhận định rằng, người Việt trẻ thích uống rượu để thỏa mãn sự ham hố và không có xu hướng kìm giữ nên việc uống trở nên có hại.

"Việc uống rượu của người xưa khá chừng mực nên các cụ hay gọi bằng từ "nhắm rượu", có nghĩa là nhấm nháp để thấy hết cái hay của chất cay đầu vị. Còn ngày nay, sự chừng mực dường như không còn nữa. Mọi cuộc vui, chỉ nghe thấy tiếng chúc tụng nhau hay câu cửa miệng "không say không về". Thời hiện đại, công nghiệp sản xuất phát triển, người Việt không chỉ có rượu mà còn bia, và bia rượu đều nhiều đến mức thừa thãi. Việc uống rượu vì thế cũng ít tính văn hoá hơn nhiều. Bệnh tật từ đó, tiêu cực cũng từ đó!", ông chia sẻ.

Lý giải việc người Việt dễ "nhếch nhác" khi uống bia rượu, nhà báo Huy Thịnh cho biết: "Không giống như ở nước ngoài, đặc biệt là phương Tây, người Việt thể tạng nhỏ bé, lại ở xứ nóng nên uống nhiều là quá sức, dễ say xỉn. Thêm vào đó, luật lệ về việc quy định sử dụng bia rượu của nước ta còn lỏng lẻo, chưa nghiêm nên người dân được phép uống thoải mái. Đó là lý do tại sao chúng ta tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều đến như vậy".

Từ đó, ông cũng đánh giá: "Đã đến lúc Việt Nam cần chấn chỉnh, thậm chí luật hoá việc uống bia rượu để hạn chế tình trạng tiêu cực có thể xảy ra, đặc biệc là các vụ tai nạn giao thông thảm khốc hay những vấn đề xã hội, gia đình phức tạp do người uống nhiều bia rượu gây ra".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét