Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Chuyện cổ tích về ánh sáng

Tùng bên những trang sổ mẹ để lại.Tùng bên những trang sổ mẹ để lại.

Trong miền ký ức

Những dòng hồi tưởng về mẹ của Hoàng Thanh Tùng, chàng trai 26 tuổi khiến có cảm giác như người phụ nữ nhân hậu ấy vẫn đang ngồi đây, bên chúng tôi, nói những câu chuyện tỉ tê về bệnh tình của từng bệnh nhân mà mỗi ngày chị chăm sóc. Tối nào cũng thế, những ngày còn ở bên gia đình, mỗi bữa cơm sau lời hỏi han chồng con, chị lại chia sẻ về hoàn cảnh của những bệnh nhân đặc biệt, những trăn trở làm sao có thể giúp họ nhanh khỏi bệnh nhất để về với cuộc sống đời thường. Tình yêu thương ấy mỗi ngày lan tỏa dần vào tâm trí và trái tim hai người con của chị. Và cũng chính nó đã khơi gợi sự tò mò của cậu con trai cả Hoàng Thanh Tùng về công việc vất vả nhưng rất đỗi ấm áp mà chị đã một đời gắn bó.

Trong căn phòng nhỏ, nơi chị nghiên cứu tài liệu tại nhà, còn đó những cuốn sách, những trang sổ tay ghi chép, nghiên cứu chuyên môn từ nhiều năm qua. Lần giở từng trang sổ với những dòng chữ ngay ngắn mà mẹ viết giờ đã ố màu thời gian, một chút nghẹn ngào trong giọng nói, Tùng bảo đó là tài sản vô giá mà mẹ để lại cho mình. Khẽ khàng, cậu xếp từng cuốn sách, tư liệu mà cả đời mẹ dày công nghiên cứu với tâm thế mẹ vẫn luôn bên mình, dạy dỗ và chia sẻ như bao năm tháng qua.

Người phụ nữ ấy không chỉ là mẹ mà còn là người thầy lớn, người đồng nghiệp đáng kính và người bạn tri kỷ của Tùng. Ngày còn nhỏ, những câu chuyện về bệnh nhân mẹ kể ăn sâu tâm trí Tùng. Từ tò mò đến đam mê với chuyên khoa Mắt không phải là con đường ngắn dễ vượt qua với cậu. Sức hút từ lối nói chuyện của mẹ khiến Tùng yêu thích ngành y, ngành ông bà ngoại cậu từng gắn bó.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Tùng trở thành bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Mắt T.Ư, với quyết tâm nối nghiệp mẹ. Được làm việc trong môi trường đầu ngành nên hai mẹ con thường xuyên chia sẻ với nhau kinh nghiệm cũng như hướng điều trị bệnh nhân nặng mà mình phụ trách. Để có được ngày hôm nay Tùng bảo cậu đã học từ mẹ rất nhiều. Điều căn bản ban đầu để nuôi dưỡng nghề chính là tình yêu với công việc, niềm thương cảm dành cho bệnh nhân.

Chuyện cổ tích về ánh sáng - ảnh 1

Bác sĩ Thoa bên gia đình trong ngày bảo vệ thành công luận án bác sĩ chuyên khoa 2.

Trong câu chuyện các đồng nghiệp của bác sĩ Vũ Thị Thoa chia sẻ, người ta dễ dàng nhận ra tình yêu, tâm sức người phụ nữ này dành cho công việc. Nó không phải những điều gì đao to búa lớn, không phải những thành tích vang dội nó là nghị lực phi thường, vượt qua muôn vàn khó khăn giữa cơn bạo bệnh để sống trọn vẹn với nghề, đến tận lúc chị không còn trên cõi đời này nữa…

Gần 20 năm trước, khi mang thai cô con gái thứ 2, chị phát hiện mình bị ung thư vú. Là bác sĩ, hơn ai hết chị hiểu căn bệnh mình mắc phải. Vậy nhưng chị đối diện với nó, không suy sụp, không khóc lóc. Chị chấp nhận điều trị, phẫu thuật chỉ với mong muốn những ngày sống trên đời làm được điều có ích cho bệnh nhân. Năm 2013, bệnh ung thư di căn vào xương gây ra những cơn đau thấu tủy.

Chính trong những khoảng thời gian bệnh trọng ấy, khao khát được sống, được làm điều mình mơ ước trở thành liệu pháp tinh thần khiến chị nỗ lực để hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa 2. Tháng 12 năm 2015, bác sĩ Thoa hoàn thành xuất sắc luận án tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 2 trong sự khâm phục của đồng nghiệp và các con. Thêm một lần nữa, ý chí, nỗ lực của người mẹ khiến Tùng thêm quyết tâm đeo đuổi công việc mà mẹ âm thầm định hướng cho mình từ bé.

Một gia đình có truyền thống làm ngành y nên giữa các thành viên trong nhà luôn hướng về mục tiêu làm thế nào để bệnh nhân có nhiều nhất cơ hội được sống cuộc đời tốt đẹp. Và chính trong những lần trò chuyện ấy, bác sĩ Vũ Thị Thoa đã nói lên tâm nguyện nếu ngày nào đó chị mất đi, sẽ hiến cơ thể mình cho những bệnh nhân cần ghép tạng.

Lúc còn sống, dù không theo đạo Phật, nhưng chính đạo Phật giúp chị ngộ ra một điều, khi ta mất đi, thân xác là hư vô, tan vào cát bụi, chỉ tâm hồn là mãi mãi trường tồn. Điều ấy thôi thúc chị hiến một phần cơ thể mình cho những bệnh nhân cần nó.

Tùng bảo: “Mẹ tôi từng muốn được hiến trái tim của mình. Nhưng căn bệnh ung thư di căn khiến điều mong muốn của mẹ không thành hiện thực vì tế bào ung thư đã xâm lấn vào hết các bộ phân cơ thể, trừ giác mạc là nơi không có mạch máu nên khó bị bệnh ung thư di căn vào”.

Ngày cuối tháng 8 vừa qua, bệnh trở nặng, bác sĩ Thoa lịm đi không kịp dặn dò gì người thân, nhưng tâm niệm chị để lại được chồng con và các đồng nghiệp thực hiện vẹn tròn.

Ánh sáng cho người bệnh

Trong căn phòng nhỏ của Bệnh viện 19-8, chiều cùng ngày khi bác sĩ Thoa trút hơi thở cuối cùng, chị nằm đó, trên chiếc giường nhỏ, mái tóc lơ thơ vì hóa trị nhưng gương mặt lộ vẻ thanh thản. Những người thân và đồng nghiệp làm lễ tưởng niệm vị bác sĩ đáng kính trước khi tiến hành lấy giác mạc của chị để ghép cho bệnh nhân. Đôi giác mạc của đại tá, bác sĩ Vũ Thị Thoa được các cán bộ y tế Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt T.Ư thu nhận, bảo quản, giữ gìn cẩn thận.

Chuyện cổ tích về ánh sáng - ảnh 2

Bác sĩ Thoa và con trai.

Tốt nghiệp đại học rồi bác sĩ nội trú khóa 14, về công tác tại khoa Mắt Bệnh viện 19-8, chưa có lần nào, bác sĩ Thoa muốn thay đổi công việc mình đã chọn. Với chị, được khám bệnh, tìm ra cách điều trị cho bệnh nhân là hạnh phúc khó diễn tả bằng lời.

Nhân viên y tế của Khoa Mắt và Bệnh viện 19-8 vẫn không quên hình ảnh bác sĩ Thoa bị gãy chân do bệnh ung thư di căn vào xương nhưng vẫn chống nạng lên sân khấu hát cùng đồng nghiệp trong hội diễn của bệnh viện. Bao lần chị đứng ra tổ chức các chương trình khám bệnh tình nguyện ở vùng sâu vùng xa mà không một lời kêu than dù sức khỏe không tốt.
Là Trưởng khoa Mắt, với chị, việc đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho các bác sĩ trẻ là nhiệm vụ tối quan trọng, bởi hơn ai hết chị hiểu đó chính là những người sẽ tiếp nối công việc khi một ngày nào đó chị phải rời xa.
Mới chỉ trước khi mất 1 tháng thôi, lúc bệnh tình đã khá nặng, vì khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong khi nhân viên của khoa được phân công đi khám bệnh ở các tỉnh, bác sĩ Thoa đã không quản ngại việc mình đang là bệnh nhân điều trị ở gần đó để xuống hỗ trợ và họp giao ban với các đồng nghiệp. Những việc làm chị cho rằng nhỏ bé ấy đã gây ấn tượng mạnh với đồng nghiệp và bệnh nhân, gieo vào họ sức mạnh để vượt qua khó khăn trong công việc và điều trị bệnh...

Một ngày sau khi bác sĩ Thoa ra đi mãi mãi, hai giác mạc của chị được các bác sĩ Bệnh viện Mắt T.Ư ghép cho hai bệnh nhân. Những bệnh nhân may mắn, một người 49 tuổi và một người 29 tuổi, đều mắc bệnh sẹo đục giác mạc lâu năm, khiến thị lực bị suy giảm, gây khó khăn trong cuộc sống và ghép giác mạc là biện pháp cuối cùng.

Các bác sĩ cho hay, sau ghép mảnh ghép rất trong và phục hồi thị lực tốt hơn cả con mắt còn lại. Chia sẻ về ca ghép đặc biệt này, TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư vẫn giữ nguyên sự cảm kích, bởi với một người lâu năm trong nghề như ông, đây là đầu tiên thu nhận giác mạc từ chính đồng nghiệp của mình, từ chính bác sĩ đã cống hiến cả đời cho ngành mắt.

Đã có rất nhiều lá đơn của nhân viên y tế mong muốn được hiến tạng cho y học, nhưng đây là lần đầu tiên một phần cơ thể của người khoác trên mình tấm áo blouse trắng được ghép vào bệnh nhân. Nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Thoa thêm một lần nữa minh chứng cho người đời thấy được một điều, không phải sự ra đi nào cũng là mất mát, điều họ để lại với đời là tình yêu thương và sự sẻ chia. Những bệnh nhân may mắn được nhận giác mạc từ bác sĩ Thoa sẽ bắt đầu một cuộc sống mới bằng ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn và trái tim yêu thương của người bác sĩ đã trọn một đời cống hiến cho y học, cho sự hồi sinh của đồng loại…

Chia sẻ về ca ghép đặc biệt này, TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư vẫn giữ nguyên sự cảm kích, bởi với một người lâu năm trong nghề như ông, đây là đầu tiên thu nhận giác mạc từ chính đồng nghiệp của mình, từ chính bác sĩ đã cống hiến cả đời cho ngành mắt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét