Vào chùa để giảm gánh nặng cho mẹ
Mồ côi cha khi mới 2 tuổi, cuộc sống của Thạch Sô Phene (SN 1986, ấp Sóc Chà B, Thanh Sơn Trà Cú, Trà Vinh) thiệt thòi, thiếu thốn từ bé. Mẹ của Phene không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy, kinh tế khó khăn “thiếu trước, hụt sau”. Dù vậy, Sô Phene luôn ham học, ước mơ làm thầy giáo.
Thế nhưng, ước mơ của Sô Phene dang dở khi học xong lớp 12, cậu không có tiền để đi thi đại học. Thương con, mẹ Sô Phene khuyên cậu vào chùa, nương nhờ cửa Phật một thời gian. Khi nào có cơ hội lại đi thi đại học.
“Lúc mới nghe mẹ khuyên, mình rất sốc. Đang tuổi học sinh hồn nhiên, với bao ước mơ, bỗng dưng vào chùa đi tu, sao chịu nổi”, Sô Phene tâm sự. 20 tuổi xuống tóc vào chùa, sau 6 năm nương nhờ cửa Phật, Sô Phene quyết tâm ôn thi đại học và hạnh phúc vỡ òa khi trở thành sinh viên Trường ĐH Trà Vinh. Quãng thời gian 4 năm làm sinh viên, Sô Phene vẫn nương nhờ cửa Phật và làm thầy giáo dạy bộ môn Giáo lý Phật học cho các phật tử ở chùa.“Gia cảnh khó khăn, mẹ chạy ăn từng bữa còn chưa đủ, lấy tiền đâu để đi học. Lúc đó, mình mới hiểu lời mẹ khuyên nên vào chùa tu để báo hiếu. Lúc này mình mới quyết định xuống tóc đi tu”.
Thạch Sô Phene, sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH Trà Vinh
Sô Phene kể: 4 năm đi học đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, mỗi lần đóng học phí, người mẹ nghèo lại phải xoay xở trăm bề. “Có lần, nhà trường thông báo nộp học phí gấp quá, về báo, mẹ lo lắng không nói năng gì. Gần 2 ngày mẹ chạy vạy, vay mượn khắp họ hàng, làng xóm đến mất ăn, mất ngủ mới lo đủ số tiền. Thương mẹ đến thắt lòng!”, Sô Phene nói. Để báo hiếu mẹ, suốt 4 năm đại học, Sô Phene lúc nào cũng đạt thành tích học tập khá, giỏi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng.
Không chữa ung thư, dành tiền cho con học
Cũng là một trong những sinh viên được nhận học bổng từ Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam như Sô Phene, Phạm Thúy An, SN 1995, sinh viên Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học, ĐH Cần Thơ khi sinh ra đã bị khuyết tật, không có ngón chân và ngón tay gần như mất hết. Từ nhỏ, An tập viết bằng tay trái với hai ngón (ngón trỏ và ngón út). Tập hàng năm trời, An mới đưa được những nét chữ đầu tiên chậm chạp và nguệch ngoạc. Với quyết tâm “cần cù bù khuyết tật”, An luôn chăm học và học giỏi. Suốt 12 năm học, An đều là học sinh giỏi. Năm lớp 9 đạt giải 3 học sinh giỏi tỉnh môn Hóa; lớp 12, đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Sinh.
Cuộc sống tiếp tục thử thách Thúy An. Khi vừa bước vào năm nhất đại học, An nhận tin sét đánh: Bố bị ung thư dạ dày. Biết mắc bệnh nan y, gia cảnh khó khăn, bố An từ chối điều trị, tránh gánh nặng kinh tế cho gia đình. Suốt buổi nói chuyện, An luôn nhắc về người bố thân yêu của mình với điệp khúc: “Em thương bố lắm!”. Đôi lúc, giọng An nghẹn lại khi kể về quãng thời gian bố chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. “Suốt gần 1 năm bị ung thư hành hạ, bố không dùng viên thuốc nào. Chỉ 2 tháng cuối, đau quá, không còn sức để chịu đựng, bố mới vào viện. Nhiều lúc bố đau, không ăn được gì, không đứng, không ngồi được. Bố cứ nghiến răng chịu đau khiến em không đủ can đảm để nhìn vào mắt bố”, An nghẹn ngào kể.
Bố mất, An hụt hẫng, cảm giác cuộc sống trở về con số không tròn trĩnh. Nhưng được thầy cô bạn bè động viên, An luôn nỗ lực vượt qua số phận khắc nghiệt. “Nếu em yếu đuối, mẹ sẽ suy sụp theo. Em yếu đuối, sẽ không có ai lo cho mẹ và em gái nữa. Nghĩ thế, em lại lao đầu vào học”, Thúy An bộc bạch.
Suốt mấy năm học đại học, Thúy An đều đạt kết quả học tập loại giỏi, năm học 2015-2016, An đạt điểm tổng kết: 3,94/4,0 điểm. Với thành tích học tập xuất sắc, An thường xuyên đạt được nhiều loại học bổng khác nhau. Ngoài ra, An đi làm thêm. Vì thế, mọi chi phí học tập, An tự trang trải không phải xin thêm từ mẹ.
Mới đây, ngoài Thuý An, tại lễ trao học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam, sinh viên Hoàng Thị Linh, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) khiến không ít người rưng rưng xúc động. Ba tuổi, Linh mồ côi cha. Không lâu sau, mẹ bỏ theo người đàn ông khác không một lời từ biệt. “Ký ức về mẹ và cha em không có nhiều. Chỉ tưởng tượng qua lời kể của người thân, hàng xóm”, Linh nói. Linh lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà nội.
Thiếu vắng tình yêu thương, chở che của cha mẹ, cộng với cuộc sống khó khăn, do bà nội đã già yếu, nhiều lúc Linh đau khổ, tự ti muốn bỏ học để đi làm kiếm tiền nuôi bà. Nhưng rồi bằng ý chí và suy nghĩ chỉ có con đường học tập mới giúp Linh và bà có cuộc sống ổn định lâu dài, Linh đã nỗ lực vượt khó để trở thành sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong suốt 3 năm sinh viên, Linh làm thêm nhiều việc khác nhau để trang trải cuộc sống. Không chỉ đạt kết quả học tập xuất sắc, Linh còn là Bí thư chi đoàn, Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét