Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Phong trào của Đoàn phải xác định rõ lợi ích của thanh niên

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, khẩu hiệu hành động của ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI khi lựa chọn sẽ có sức hiệu triệu, dễ nhớ và có động lực cho cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hành động. “Theo đó, toàn Đoàn bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại ĐH Thanh niên tiên tiến toàn quốc tháng 7 vừa qua, thanh niên phải tiên phong, gương mẫu. Dự kiến, 3 phong trào của Đoàn trong nhiệm kỳ tới gồm Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, vừa phát huy tinh thần tình nguyện vừa chăm lo cho thanh niên”, anh Phong nói.

Anh Nông Việt Yên, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái nói: ĐH lần này nên thay “khẩu hiệu hành động” thành “phương châm hành động” nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong toàn Đoàn. Anh Yên đề xuất cần thêm phong trào khởi nghiệp trong thanh niên và nên ghép lại tên thành một phong trào duy nhất trong toàn Đoàn như “Thanh niên xung kích, sáng tạo, khởi nghiệp”. Từ đó có chương trình hỗ trợ thực hiện. Bày tỏ sự đồng tình ghép chung một phong trào lớn, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương đề xuất: “Chỉ nên gom một phong trào xung kích sáng tạo, được triển khai gắn với từng đối tượng, phát huy thanh niên thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu khác nhau của phong trào”.

Anh Nguyễn Văn Vũ Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp nói: “Phong trào hỗ trợ thanh niên cần làm sao giúp thanh niên tự tin hơn. Nhiều bạn trẻ thiếu sự tự tin khi khởi nghiệp, khi đi phỏng vấn, thi tuyển. Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn cần nâng cao kiến thức, năng lực và nhận thức để bắt kịp với sự phát triển của thanh niên và xã hội”.

“Bên cạnh các phong trào chính, tổ chức Đoàn cần thổi hồn cho thanh niên có tinh thần khởi nghiệp. Đoàn chắc chắn phải thực hiện Chương trình Quốc gia thanh niên khởi nghiệp, Đề án học ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh cho thanh niên”.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Theo Trưởng Ban Thanh niên Trường học (T.Ư Đoàn) Nguyễn Minh Triết, khi xác định các phong trào, chương trình phải hiểu rõ và đặt nhu cầu của thanh niên lên trên hết. Qua đó, đưa ra nội dung thực hiện xác thực, có hiệu quả. Do đó, không nên đề ra quá nhiều đề án khó triển khai hoặc triển khai ít hiệu quả.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Đoàn Nguyễn Quang Huy cho rằng, không nên để quá nhiều đề án trong một nhiệm kỳ. “Hiện, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề xuất 7 đề án nhưng theo tôi vẫn nhiều, vì muốn thực hiện đề án phải có nguồn lực, bởi không thể thực hiện chay được”, anh Huy nói.

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An, anh Nguyễn Đình Hùng, trong các phong trào và chương trình hỗ trợ nhiệm kỳ tới không đề cập đến vấn đề Đoàn tham gia phòng chống đuối nước cho trẻ em là một thiếu sót cần bổ sung. “Cần có chương trình phòng tránh đuối nước cho trẻ em vì đây là tình trạng đáng báo động, nhất là mỗi dịp hè về. Ngoài ra, việc sinh hoạt Đoàn cần thực hiện nghiêm túc, sinh động hơn khi thực tế giới trẻ nhìn màn hình nhiều hơn nhìn mặt nhau, người ta chăm chú lướt web, mạng hơn là lo chuyện ăn uống, sức hút giao tiếp đời thực ở đâu”, anh Hùng nói.

Anh Y Nhuân Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đề xuất: Có đề án xây dựng điểm vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu nhi bởi hiện trách nhiệm của các tỉnh cho vấn đề này còn hạn chế. Việc đưa đề án sẽ vừa là động lực, vừa là trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong chăm lo cho nhu cầu chính đáng của thanh thiếu niên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý, sửa đổi, bổ sung của đại biểu và tiếp tục xây dựng khung văn kiện xin ý kiến Ủy viên BCH. Theo đó, văn kiện chuẩn bị cho ĐH Đoàn toàn quốc lần này hết sức ngắn gọn, phụ lục số liệu kèm theo minh chứng sẽ được chuẩn bị công phu.

Trước khi bế mạc, Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn tiến hành biểu quyết thông qua nhân sự giới thiệu 2 đồng chí bầu vào Ban Bí thư T.Ư Đoàn với 100% số phiếu tán thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét