Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Mặt trời của bé đi gieo nụ cười

Các thành viên trong CLB Mặt trời của bé mang đến nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ có H. Ảnh: BTC.Các thành viên trong CLB Mặt trời của bé mang đến nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ có H. Ảnh: BTC.

Những ngày cuối tháng 5, CLB Mặt trời của bé tổ chức chương trình Hội trại mơ ước dành cho hơn 100 trẻ sống chung với HIV tại 5 xã nghèo thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội). Chương trình dành tặng nhiều phần quà vật chất, tổ chức nhiều trò chơi vận động như bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố… Cùng đó là buổi thảo luận về những hình thức kỳ thị, bắt nạt trong lứa tuổi học trò (bắt lau bảng, bị ném sách vở, dán giấy sau lưng) và trang bị kỹ năng ứng phó với bắt nạt học đường. Để giúp các em bớt rụt rè, các tình nguyện viên đã khích lệ các em hăng hái tham gia các trò chơi, vẽ tranh đáp án, chia sẻ về ước mơ trở thành bác sỹ, kỹ sư, kể về điều mong muốn.

Chu Thanh Tùng - Trưởng CLB Mặt trời của bé cho biết, Hội trại mơ ước là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2008, dành cho các em nhỏ sống chung với HIV có hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi có một slogan là Hết lòng vì trẻ em. CLB mong muốn tạo sân chơi hòa nhập cộng đồng và cung cấp kỹ năng sống cho trẻ sống chung với HIV - vốn dễ bị tổn thương và chịu nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử ở trường học và ngoài xã hội. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ sống chung với HIV”, anh Tùng nói.

Anh Tùng cho biết, không chỉ thiếu sự chăm sóc, tình cảm của bố mẹ, nhiều trẻ còn thiệt thòi do sự kỳ thị, phân biệt đối xử của những người xung quanh, thậm chí cả người thân thiếu hiểu biết về HIV/AIDS. Đơn cử, trường hợp hai anh em song sinh Hải, Hà (có mẹ nhiễm HIV mất) sau thời gian học cấp I chỉ học hai môn Toán, Tiếng Việt và phải ngồi tách riêng với các bạn khác, đến nay cũng đã nghỉ học. “Các em là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ trở thành đối tượng bị xâm hại, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm. Những nguy cơ tiềm ẩn là vậy nhưng nếu có sự can thiệp thì sẽ giúp hạn chế được nhiều”, anh Tùng cho hay.

Mặt trời của bé

Chị L.T.H - người sáng lập CLB Mặt trời của bé cho biết, từ 6 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã có 25 thành viên thường xuyên tham gia và hàng trăm tình nguyện viên. Các thành viên, tình nguyện viên đều được tập huấn kiến thức HIV, kỹ năng giao tiếp… Hoạt động của nhóm bao gồm hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có HIV, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần, vận động điều trị cho người có HIV và các nhóm liên quan như: Quan hệ đồng tính nam, người hành nghề mại dâm, người sử dụng ma túy... CLB cũng hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ toàn diện cho những người sống chung với HIV và cộng đồng chịu ảnh hưởng thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ, tạo việc làm, thu nhập, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử.

Chị L.T.H cho biết, hiện nay trẻ em nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc kháng virus (ARV). Do đó, sức khỏe những trẻ em này được cải thiện đáng kể cùng với tuổi thọ của các em được kéo dài. Từ tháng 2/2016 đến nay, CLB tổ chức các lớp kỹ năng sống bao gồm 11 chuyên đề. Mỗi tháng tổ chức một buổi học theo từng chuyên đề. Bên cạnh đó, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm và tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn; xét nghiệm HIV lưu động; tập huấn “dự phòng cho phụ nữ âm tính” trang bị kiến thức về các căn bệnh lây qua đường tình dục, các câu hỏi liên quan tới HIV…

Với sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Care, Ngân hàng Thế giới, Quỹ lãnh đạo trẻ HIV và với những thành tích đạt được, CLB Mặt trời của bé nhận bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác của Hội phòng chống HIV/AIDS Hà Nội 3 năm liền; giành giải thưởng của Quỹ Ngân hàng Thế giới. Song, phần thưởng lớn nhất của các thành viên trong gia đình Mặt trời của bé là mang tới nụ cười cho những trẻ em không may có H.

Đánh giá về hoạt động của CLB Mặt trời của bé, bà Trịnh Thị Lê Trâm - Nguyên chủ tịch hội phòng chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, hoạt động của CLB rất hiệu quả, thiết thực và có tác động sâu rộng đến cộng đồng. Chính những hoạt động hỗ trợ đã mang lại lợi ích thiết thực nhất và để cho trẻ em sống chung với HIV thấy rằng không bị lãng quên mà vẫn được chia sẻ, chấp nhận.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2013, Việt Nam có khoảng 457.700 trẻ đang chịu ảnh hưởng bởi HIV trong đó, ước tính số trẻ em có HIV khoảng 8.000. Phần lớn các em đều không may nhiễm HIV từ cha, mẹ hoặc có cha mẹ qua đời vì HIV/AIDS. Có những em bố qua đời do HIV rồi mẹ bỏ đi, có những em cả bố lẫn mẹ đều nhiễm HIV nặng nên phải nhờ cậy sự chăm sóc của họ hàng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét