Cảnh giác với thợ dạo
Ở Hà Nội, dọc các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Cầu Giấy, Tây Sơn… các ảnh viện áo cưới mọc lên như nấm với các mức giá khác nhau, thấp từ 3 - 5 triệu đồng, cao lên đến mấy chục triệu cho một bộ ảnh.
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ một ảnh viện áo cưới ở trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Vào mùa cưới, các ảnh viện hầu như thiếu người, đặc biệt nhân viên trang điểm. Thường ảnh viện làm trọn gói, giá phụ thuộc việc đi chụp ảnh ngoại cảnh. “Ảnh viện mình có giá thấp nhất là 5 triệu đồng gồm: Đi ngoại cảnh 1 ngày, chụp 3 nơi. Bao gồm quần áo nạp tài, váy cô dâu và nhân viên trang điểm đi cùng. Bao gồm luôn cả chi phí làm album ảnh cưới và ảnh cưới treo tường”, chị Lan nói.
Theo chị Lan, vào mùa cưới nhiều ảnh viện dùng chiêu tặng kèm dịch vụ cho thuê áo cưới, áo dài cô dâu, áo dài bê tráp và trang điểm miễn phí từ ngày ăn hỏi đến lễ cưới với số tiền siêu khuyến mại với giá chỉ từ 2 - 3 triệu đồng. “Tiền nào của đấy, với giá thấp, ảnh viện cũng bớt cái này, cái nọ như chất lượng gỗ làm ảnh, đội ngũ chụp ảnh và trang điểm đều ở dạng học việc hoặc “tay ngang”... Đa phần không có thợ giỏi, chỉ tuyển các thợ không chuyên nghiệp”, chị Lan phân tích.
Hoàng Thị Dung (SN 1995, quê ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) sinh viên năm cuối Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ngoài thời gian học ở trường, Dung làm thêm trang điểm cho một ảnh viện áo cưới trên đường Nguyễn Trãi. Là thợ trang điểm chính cho nhiều cô dâu, chú rể nhưng Trang chỉ mới học qua một khoá cấp tốc.
“Mình trước học trang điểm cấp tốc 15 ngày để làm đẹp cho bản thân những lúc đi chơi, sinh nhật bạn bè. Nhưng vào mùa cưới, các ảnh viện áo cưới thiếu thợ trang điểm nên xin làm thêm. Mình chỉ biết trang điểm cơ bản: Đánh son môi, làm mắt to hơn, kẻ lông mày, đánh kem nền, tạo khối… và làm một vài kiểu tóc”, Dung chia sẻ.
Dung cho biết, do chỉ là thợ trang điểm không chuyên, lại phải đầu quân làm thuê cho các ảnh viện nên dù phải trang điểm rất nhiều khách mỗi ngày nhưng thợ chỉ được trả từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Tiền thu được chảy hết vào túi các chủ ảnh viện. “Các ảnh viện quảng cáo có chuyên gia trang điểm giỏi, tay nghề cao… Nhưng thực tế mùa cưới họ bận. Thợ toàn học việc và tay ngang. Mình biết có ảnh viện tuyển người chưa có kinh nghiệm về đào tạo cấp tốc một, hai tuần là thành thợ chính”, Dung nói.“Cô dâu giao phó dung nhan cho các thợ trang điểm không chuyên. Dụng cụ trang điểm nhiều gương mặt mà mỗi gương mặt có một vấn đề da liễu khác nhau. Không vệ sinh tốt dễ bị lây bệnh qua dụng cụ trang điểm”.
Chuyên gia trang điểm Quân Bee
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều thợ trang điểm khi hoàn thành một khóa “cấp tốc”, bỏ thêm vài ba triệu đồng để sắm đồ nghề là có thể trở thành thợ chính cho một ảnh viện áo cưới “không kén chọn”. Thu nhập của các thợ dạng này thấp, đi làm khi mùa cưới. Do đó, tiền đầu tư vào đồ nghề của thợ cũng nghèo nàn.
Phan Ngọc Mai, thợ trang điểm không chuyên cho một ảnh viện áo cưới ở đường Cầu Giấy cho biết: Dụng cụ hành nghề của trang điểm khá nhiều loại đồ. Từ bảng son, bảng màu mắt, bảng phấn nhiều tông màu cho đến các bộ mi giả, bộ cọ chổi…
“Nếu sắm một cốp đồ trang điểm cô dâu chuyên nghiệp, dùng mỹ phẩm tốt phải mất 20 – 30 triệu đồng. Số tiền đó, trang điểm mấy mùa cưới cũng không bù lại vốn. Nên hầu hết mỹ phẩm sử dụng đều là hàng Trung Quốc dạng fake, mua ngoài chợ”, Mai nói.
Tiền mất, tật mang
Kể với PV Tiền Phong về câu chuyện của mình, cô dâu trẻ Nguyễn Hồng Lam (ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Gần đến ngày cưới, mình đến ảnh viện áo N.T.T trên đường Quang Trung chụp ảnh cưới giá 7 triệu đồng. Da mặt nhạy cảm, dặn kỹ thợ trang điểm dùng mĩ phẩm “xịn” và “bo” thêm tiền. Nhưng kết thúc buổi chụp ảnh, dù tẩy trang, rửa mặt và đắp mặt nạ kỹ da mặt vẫn bị dị ứng tấy đỏ, sưng vù. Ngày cưới phải ôm mặt sung vù, nổi mụn. Tìm hiểu biết: thợ dùng mỹ phẩm Trung Quốc nhưng sử dụng vỏ của các loại mĩ phẩm đắt tiền để đựng”.
Nguyễn Ngọc Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay cũng từng bị thợ trang điểm “lừa” trong ngày chụp ảnh cưới. “Ngày chụp ảnh cưới, từ đầu đến cuối thợ không hỏi han mình thích trang điểm kiểu gì. Mặt nhỏ nhưng chị ta trang điểm mắt to quá cỡ. Mình thắc mắc, cô ta bảo: Đây là xu hướng trang điểm của năm nay. Chẳng hiểu thợ chuyên nghiệp cỡ nào, nhìn abum ảnh cưới chẳng giống mình chút nào. Có khi tự trang điểm còn đẹp hơn. Còn mỹ phẩm thế nào mà sau da mặt sần sùi. Đến Viện Da liễu khám, bác sỹ bảo da bị dị ứng nặng với mỹ phẩm, tiền thuốc tốn hơn 4 triệu đồng. Ngày cưới phải để mặt mộc không dám trang điểm nữa”, Nga nói.
Nói về những rủi ro khi chọn thợ trang điểm không chuyên mùa cưới, chuyên gia trang điểm quốc tế Quân Bee cho hay: “Các thợ trang điểm không chuyên được đào tạo qua quít, chỉ có thể biết trang điểm che khuyết điểm, pha trộn tông màu sao cho bắt mắt chứ khâu “chăm sóc” da thiếu kiến thức. Ngay cả sử dụng dụng cụ trang điểm cũng cần có sự hiểu biết nhất định. Mỗi gương mặt có một vấn đề da liễu khác nhau nên khi không vệ sinh tốt dễ bị lây bệnh qua dụng cụ trang điểm”, Quân Bee cho biết.
Theo chuyên gia trang điểm Quân Bee, xu hướng mùa cưới năm nay: Màu son đỏ, hồng đậm của những năm trước được thay thế bằng những màu nude gợi cảm và tinh tế. Điểm nhấn vẫn là lớp nền mỏng mịn và che phủ, màu sắc tự nhiên không còn bị quá trắng như tượng sáp. Đôi mắt được trang điểm tối giản để trông tự nhiên, hạn chế mi giả và mascara quá dầy quá dài trông đỡ nặng nề hơn và phát huy được tối đa vẻ đẹp vốn có của cô dâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét