Chiếc nôi nhìn qua y hệt những chiếc xe đẩy bình thường, người dùng có thể biến nó thành giường nằm, ghế ăn, xe tập đi hay xe lắc rất tiện dụng. Trịnh Minh Phượng (Đại học Kinh tế Đà Nẵng, thành viên nhóm), nói: “Thay vì bỏ ra khoản tiền lớn mua từng loại xe cho bé mà chỉ sử dụng trong vài tháng, chiếc nôi này tích hợp tất cả trong một. Khi không cần sử dụng có thể gấp lại rất nhỏ gọn, tiện lợi mang theo”.
Hoàn thiện được chiếc nôi đa năng, cả nhóm lại nghĩ cách làm sao để người mẹ bớt thời gian chăm sóc bé. Trong nhiều lần mày mò, chiếc nôi có thêm tính năng trượt ru ngủ tự động giúp nôi có thể trượt đều, êm, chuyển động nhịp nhàng khiến em bé dễ chịu và nhanh chìm vào giấc ngủ. Bé được “ru”, chỉ còn thiếu thêm người hát, cả nhóm lại tiếp tục lắp thiết bị phát nhạc với danh sách hàng trăm bài hát được tải vào thẻ nhớ SD. Thiết bị này kết nối với smartphone (điện thoại thông minh) giúp các bà mẹ dễ dàng điều khiển âm lượng, chuyển bài hoặc chuyển chế độ từ hát sang kể chuyện, hẹn giờ... Đặc biệt, khi bé thức giấc và khóc quấy làm nôi dao động sẽ truyền về cảm biến rung của nôi, từ đó nôi sẽ tự động bật nhạc và ru cho đến khi bé ngủ hoàn toàn.
Nguyễn Thị Cẩm Vân (thành viên nhóm), chia sẻ: “Vì là sản phẩm “made in Viet Nam”, lại dành cho trẻ nhỏ nên tụi em rất chú trọng yếu tố dân gian, truyền thống. Điều tụi em tự hào nhất đó là chiếc nôi này biết “kêu” khi bé đi ị, đi tè. Đây là sáng kiến do nhóm nghĩ ra và hiện trên thị trường chưa có loại nôi nào có tính năng đặc biệt này cả”.
Để nhận biết tình huống “khó đỡ” của bé, bên dưới lớp nằm các bạn đặt một cảm biến vệ sinh. Khi bé đi ị, đi tè làm ẩm ướt lớp nằm, cảm biến sẽ phát báo hiệu qua điện thoại cho cha mẹ. Nhờ vậy việc đi vệ sinh của bé được phát hiện kịp thời, tránh gây cảm giác khó chịu cũng như nguy cơ mắc các bệnh ngoài da. Hiện cả nhóm đang hoàn thiện thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ cho phát kiến có một không hai này.
Chiếc nôi hiện đại “made in Viet Nam” này được các bạn đặt tên là nôi TOB. Trong những lần đem giới thiệu tại các chương trình khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Giá bán mỗi chiếc khoảng 3 triệu đồng, hiện có rất nhiều cơ sở, cửa hàng đặt hàng nhưng nhóm chưa dám sản xuất số lượng lớn vì thiếu vốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét